3 thị trường xuất khẩu lao động phổ biến của lao động
3 thị trường xuất khẩu lao động phổ biến của lao động Việt Nam
30/03/2022
Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, tính từ đầu năm 2016 đến cuối năm 2021, tỉnh Vĩnh Long đã đưa 6.372 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động- XKLĐ). Thị trường XKLĐ phổ biến, thu hút nhiều lao động tham gia là Nhật Bản (chiếm 86%), còn lại là thị trường Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)...
Nhật Bản được đánh giá là một trong những thị trường XKLĐ tốt nhất đối với lao động Việt Nam, được quan tâm, ưu tiên lựa chọn vì có mức thu nhập cao và ổn định. Đối tượng tuyển dụng chủ yếu là lao động phổ thông có tay nghề may, hàn, xây dựng, mộc,... cho đến kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn. Từ năm 2018, Nhật Bản chính thức nới rộng từ 66 lên 77 ngành nghề được phép tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, đã giúp mở ra thêm cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam.
Là thị trường XKLĐ quan trọng thứ 2 đối với lao động Việt Nam, mức lương bình quân của người lao động làm việc tại Hàn Quốc khoảng 1.000 USD/ tháng. Ở tỉnh Vĩnh Long, người lao động có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động theo Chương trình EPS (lao động phổ thông) có thể liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm để được tư vấn và làm hồ sơ đăng ký.
Hiện nay, Đài Loan là vùng lãnh thổ có số lượng lao động Việt Nam làm việc đông, vì chi phí đi XKLĐ khá phù hợp. Ngành nghề tuyển dụng phổ biến gồm cơ khí, điện tử, chế biến thực phẩm, xây dựng. Ngoài các thị trường XKLĐ trên, người lao động tùy theo điều kiện, trình độ năng lực mình có thể lựa chọn để đi làm việc tại Singapore, Úc, dự tuyển du học nghề tại Đức.